top of page
Writer's pictureCo-CO

TƯƠNG LAI CỦA NGÀNH SỮA THỰC VẬT

Updated: Aug 6, 2023

Những lo ngại ngày càng tăng về tác động môi trường và tính đạo đức trong sản xuất sữa đã khiến nhiều người phải tìm kiếm các giải pháp thay thế trong những năm gần đây. Điều này đã dẫn đến sự gia tăng vô cùng to lớn đối với sự phổ biến của các loại sữa làm từ thực vật, bao gồm đậu nành, hạnh nhân, yến mạch và dừa.

Nhiều người kỳ vọng sẽ chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc trên thị trường, có nghĩa là: mọi người đang nói về tương lai của ngành sữa thực vật.


LỊCH SỬ SƠ LƯỢC VỀ SỮA THỰC VẬT


Trong khi sữa thực vật là một sự bổ sung tương đối mới cho thực đơn của một quán cà phê, chúng đã xuất hiện từ khoảng hàng trăm năm trước.


Một trong những ví dụ sớm nhất được ghi lại đó là sữa hạnh nhân, loại sữa này đã được đề cập đến trong sách dạy nấu ăn thời Trung cổ được tìm thấy khắp Châu Âu. Nhiều người tin rằng nó đã trở nên phổ biến hơn sau khi xuất bản một luận thuyết Cơ Đốc giáo cấm tiêu thụ sữa vào những ngày nhất định trong tuần.

Điều này đã thúc đẩy một cuộc tìm kiếm các lựa chọn thay thế không có sữa, dẫn đến việc phát hiện ra nhiều loại sữa hạt khác nhau, bao gồm hạnh nhân, hồ trăn (hạt dẻ cười), và hạt phỉ.


Trong lịch sử, sữa hạnh nhân được làm bằng cách ngâm hạnh nhân đã xay trong nước và lọc qua một miếng vải. Tuy nhiên do chi phí nhập khẩu từ nước ngoài, hạnh nhân là một thành phần được phần lớn ưa chuộng bởi những người giàu có, được quảng cáo như một sự thay thế bổ dưỡng và an toàn cho sữa bò.


Ngoài Châu Âu, chúng ta có thể truy tìm nguồn gốc ban đầu của sữa đậu nành ngược lại ở Trung Quốc vào thế kỷ 14. Đặc biệt, một loại nước dùng từ đậu hủ, được biết đến là doufujiang, thậm chí còn được cho là tiền thân của nó. Tuy nhiên, không phải sau này mà nó đã xuất hiện bên ngoài Trung Quốc, lan sang Việt Nam và Nhật Bản lân cận vào cuối những năm 1700.


Vào năm 1917, Sữa đậu nành lần đầu tiên được sản xuất thương mại sau hơn 100 năm. Đến những năm 1980, nó đã có mặt trên khắp Hoa Kỳ, Châu Âu, Châu Á và Úc. Doanh số bán hàng của Mỹ đạt đỉnh 1.2 tỷ USD trong năm 2008, trước khi sụt giảm nghiêm trọng do những tin đồn về tác động của sữa đậu nành đối với sức khỏe con người và môi trường.


Kể từ năm 2000, doanh số bán sữa hạnh nhân trên toàn cầu đã tăng theo cấp số nhân. Các ước tính cho thấy giá trị thị trường toàn cầu hiện tại là hơn 6 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2025.

Ngoài sữa hạnh nhân và sữa đậu nành, một loại sữa thực vật sơ khai thứ ba khác có thể đã được phát hiện từ hàng trăm năm trước: đó là sữa dừa. Sữa dừa đã được sử dụng cho việc nấu ăn ở Đông Nam Á, Châu Phi và Ấn Độ trong nhiều thế kỉ.


Ngày nay, sữa dừa được sử dụng theo nhiều cách ngày càng đa dạng, bao gồm cả việc trở thành sự thay thế cho sữa bò trong các cửa hàng cà phê. Sự gia tăng nhu cầu của người tiêu dùng đối với các thành phần tốt cho sức khỏe đã khiến doanh số bán hàng trên khắp thế giới tăng lên, trong khi hàm lượng khoáng chất và vitamin cao làm cho nó trở thành một chất thay thế dinh dưỡng tốt


GEN Z, OATLY VÀ SỰ TRỖI DẬY CỦA CÁC LOẠI SỮA CHUYÊN DỤNG CHO THỢ CÀ PHÊ


Mặc dù tăng trưởng ổn định trong suốt đầu thế kỷ 21, ngành sữa thực vật chỉ có tốc độ tăng trưởng vượt bậc trong vài năm qua.

Phân tích của Hiệp Hội Thực Phẩm dựa trên thực vật (Plant Based Foods Association) cho thấy doanh số bán sữa có nguồn gốc từ thực vật đã tăng 5% từ năm 2019 đến năm 2020, chiếm 14% trong tổng doanh số bán sữa ở Mỹ. Trong khi sữa bò vẫn chiếm ưu thế nhưng doanh số bán hàng của nó phần lớn bị đình trệ, chỉ tăng 1% trong cùng thời điểm.


Lauren Visagie là Giám Đốc Tiếp Thị của Califia Farms tại Vương Quốc Anh, một công ty nước giải khát có nguồn gốc từ thực vật có trụ sở chính tại California. Cô cho rằng chính các thế hệ trẻ đang dẫn đầu trách nhiệm này đối với sữa thực vật.


Nhìn chung, thế hệ Z, hay còn gọi là Gen Z đang mua ít sữa có nguồn gốc từ động vật hơn và chuyển sang sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật. Điều này là do giới trẻ ngày càng quan tâm đến sức khỏe, đạo đức và môi trường của họ.


Trong khi không có câu trả lời chắc chắn, nhiều nguồn công bố sử dụng năm 1997 để đánh dấu thời điểm thế hệ Z bắt đầu. Điều này có nghĩa là thế hệ Z hay “Gen Z”, là phần lớn những người tiêu dùng có độ tuổi từ 24 hoặc trẻ hơn tại thời điểm bài này được viết (2021).


Theo dữ liệu gần đây của công ty nghiên cứu thị trường Mintel, 1/3 thanh niên từ 16 đến 24 tuổi ở Anh uống sữa thực vật. Một nghiên cứu tương tự đã chỉ ra rằng số lượng người mua sữa bò trong cùng một nhóm độ tuổi đã giảm 6% ( từ 79% xuống 73%) giữa năm 2018 và 2019.


Hơn một nửa số người tiêu dùng với tiêu chí sử dụng các sản phẩm thay thế sữa bò đã mua các sản phẩm trong danh mục các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật vì các thông tin và chứng nhận thân thiện với môi trường trên sản phẩm. Sự phát triển của mạng và các phương tiện truyền thông xã hội đã làm cho các thông tin này dễ dàng được tìm kiếm hơn. Nhờ sự gia tăng phổ biến này, một số công ty sản xuất sữa thực vật đã có sự tăng trưởng đáng kể. Ngày nay, có lẽ một trong những thương hiệu được biết đến nhiều nhất là thương hiệu sữa đến từ Thụy Điển có tên là Oatly.


Được thành lập vào năm 1994, Oatly đã chứng kiến sự tăng vọt về doanh số bán hàng sau khi tham gia vào thị trường Hoa Kỳ vào năm 2016. Từ đó, dòng sữa yến mạch của họ đã trở thành một mặt hàng chủ lực trong lĩnh vực cà phê, và được các thợ cà phê cũng như người tiêu dùng ưa chuộng.


Giữa năm 2017 và 2018, doanh thu của Oatly đã tăng thêm 15 triệu USD. Tại Vương Quốc Anh, nhu cầu trước đây cao đến mức người tiêu dùng đã phải trải qua tình trạng thiếu hàng trên toàn quốc.

Hơn nữa, vào tháng 2 năm 2021, Oatly đã trình chiếu một đoạn quảng cáo dài 30 giây tại giải Super Bowl LV. Công ty xuất bản ấn phẩm giải trí Variety ước tính rằng mạng lưới được công chiếu trên truyền hình như Super Bowl, CBS thu phí ước chừng 5.5 triệu USD cho điều đó.


Tổng danh mục đồ uống từ yến mạch trị giá 90 triệu bảng Anh, các thức uống từ dòng sản phẩm sữa yến mạch dành cho thợ cà phê hiện chiếm 1/3 tổng doanh thu. Sự phổ biến của Oatly thậm chí đã mở đường cho các loại sữa thực vật chuyên dụng dành riêng cho thợ cà phê. Vì sữa thực vật không chứa cùng mức chất béo có trong sữa bò, nên những công thức cho loại sữa này thường chứa thêm chất ổn định và chất béo để cung cấp chất lượng cao hơn và “dễ dàng” để tạo ra nhiều vi bọt hơn.


VẬY NHỮNG THỬ THÁCH ĐƯỢC ĐẶT RA LÀ GÌ ?


Mặc dù ngành sữa thực vật tăng trưởng đột biến như vậy nhưng cũng có một số thách thức nhất định.

Vì sữa thực vật bùng nổ tương đối nhanh chóng nên phải mất một khoảng thời gian thì các cơ quan quản lý mới có thể bắt kịp được. Ví dụ, cho đến năm 2017, một phán quyết của Tòa án Công lý Châu Âu mới ra quyết định rằng các công ty sản xuất sữa thực vật ở Châu Âu không được sử dụng các thuật ngữ như “sữa”, “phô mai”, “kem” cho mục đích tiếp thị sản phẩm.


Điều này có nghĩa là những cụm từ này, thường là tiêu biểu cho các sản phẩm từ sữa bò, không thể xuất hiện một cách hợp pháp trên bao bì của các sản phẩm thay thế sữa bò (ở đây có nghĩa là sữa thực vật). Thay vào đó, chúng chỉ dành riêng cho các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật.


Châu Âu tuyên bố rằng các động cơ đằng sau sự phán quyết là để ngăn chặn sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng và bảo vệ “sự kết hợp thuần túy và độc đáo của các chất dinh dưỡng vi mô và vĩ mô của sữa và các sản phẩm làm từ sữa mà không có bất kỳ sản phẩm nào có nguồn gốc từ thực vật có thể sánh được.


Nhiều người cho rằng phán quyết có ảnh hưởng tiêu cực đến những người muốn mua các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật và nó có thể gây ra sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng đang tìm cách đưa ra quyết định sáng suốt về việc chọn lựa sữa có nguồn gốc từ thực vật thay thế cho sữa bò. Các thuật ngữ như “sữa yến mạch” đã ăn sâu vào trong văn hóa hiện đại.


Gần đây hơn, các quy tắc mới mà Nghị Viện Châu Âu đã bỏ phiếu và được thông qua (gọi là Tu chính án 171) có thể cấm các công ty có các sản phẩm từ thực vật không được sử dụng các bao bì giống với các bao bì của các sản phẩm từ sữa bò, chẳng hạn như hộp sữa và bình sữa chua. Nó cũng sẽ hạn chế các chất liệu tiếp thị tuyên bố rằng sữa thực vật là một sản phẩm dùng để thay thế cho các sản phẩm làm từ sữa bò hay làm từ động vật.


Một thách thức đáng kể khác là mối quan tâm ngày càng gia tăng về tác động môi trường của việc sản xuất sữa thực vật. Mặc dù thực tế là sữa thực vật được quảng cáo là một thay thế thân thiện với môi trường hơn là các sản phẩm từ sữa bò, nhưng nghiên cứu đã chỉ ra rằng sữa hạnh nhân nói riêng đòi hỏi lượng nước lớn để sản xuất.


Chỉ với một lít duy nhất, sản xuất sữa hạnh nhân sử dụng hơn 370 lít nước, so với 28 lít cho đậu nành và 48 lít cho yến mạch. Cùng với thực tế là 80% hạnh nhân được trồng ở California bị hạn hán rộng rãi, điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi về tính bền vững lâu dài của nó.


Camilla cho biết các thương hiệu như Rude Health đang làm việc hết công suất để giải quyết những mối lo ngại này. Cô còn cho biết thêm rằng họ chỉ sử dụng các hạnh nhân ở vùng Địa Trung Hải vì chúng được trồng ở những nơi thân thiện với ong (Bee-Friendly) cho năng suất nhỏ hơn ở những nơi có nhiều mưa. Sản lượng thấp làm cho giá thành cao, nhưng nó rất xứng đáng với một ít chi phí bổ sung.


TƯƠNG LAI NÀO CHO NGÀNH SỮA THỰC VẬT ?


Doanh số bán các loại sữa thực vật đã tăng trưởng qua hàng năm trong một khoảng thời gian, và cuối cùng không có một tín hiệu nào cho thấy sự tăng trưởng đó sẽ sớm dừng lại.


Tuy nhiên, điều quan trọng cần chú ý đó là sự tự tin vào thị trường có liên quan mật thiết đến ngành cà phê. Một tỷ lệ đáng kể của tất cả các loại sữa thực vật được sử dụng bởi nhiều quán cà phê. Nhưng chúng dường như đều rất phổ biến ở hầu hết các quán cà phê. Tháng 3 năm 2019, Starbucks đã giới thiệu sữa yến mạch của Elmhurst trên khắp các cửa hàng của họ ở Hoa Kỳ. Thương hiệu này thậm chí còn tuyên bố rằng sự gia tăng về yêu cầu đối với sữa thực vật là sự thay đổi đáng chú ý nhất trong lượng tiêu thụ tại các chi nhánh của họ.


Việc tiêu thụ sữa thực vật cũng có liên quan đến việc ngày càng có nhiều người ăn chay trên khắp thế giới, ngay cả những người tiêu dùng không hẳn là ăn chay nhưng cũng đang hướng đến sử dụng các sản phẩm được làm từ thực vật. Các nghiên cứu cho thấy 90% người uống sữa có nguồn gốc từ thực vật cũng tiêu thụ các sản phẩm từ sữa bò ở một mức độ nào đó.


Với sự gia tăng số lượng về “kiểu người linh hoạt” (những người có chế độ ăn tập trung vào thực vật và cũng thỉnh thoảng ăn thịt - flexitarians), chúng tôi cũng đang chứng kiến nhiều loại thức uống lai giữa sữa bò và thực vật xuất hiện, khi người tiêu dùng luôn tìm cách gặt hái những lợi ích từ cả hai loại. Chính vì thế các thương hiệu đang đáp ứng nhu cầu này bằng các sản phẩm ngày càng đổi mới, có chức năng và hương vị tuyệt vời, với dự đoán sẽ có nhiều đổi mới hơn nữa. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng việc quan tâm đến sự đa dạng của các loại sữa thực vật sẽ giúp thúc đẩy thị trường phát triển hơn nữa.


Trong vài năm qua, thị trường sữa có nguồn gốc từ thực vật đã tăng trưởng nhanh. Bất chấp những thách thức lập pháp và những lo ngại về môi trường, có vẻ như sự tăng trưởng này sẽ không bị chậm lại sớm.

Hơn nữa, với sự phổ biến của sữa thực vật vốn có liên quan đến ngành cà phê đặc sản ngày càng phát triển, có vẻ nhu cầu trong ngành sẽ chỉ ngày càng tăng trưởng.


Cuối cùng, lần tới khi bạn ghé vào một quán cà phê và gọi một ly latte hoặc cappuccino, tại sao bạn không thử dùng sữa thực vật ? ngay cả khi bạn yêu thích sữa bò, bạn vẫn có thể tận hưởng sự khác biết trong hương vị khi kết hợp với sữa thực vật.


Nguồn: Perfect Daily Grind

Dịch và biên tập: Nguyễn Ngọc Thanh

54 views0 comments

コメント


bottom of page