This article was translated from Perfect Daily Grind
Bài này được dịch từ Perfect Daily Grind – nhân vật tôi ở bài viết bên dưới là Estefani Riera – Venezuela. Mặc dù khác đất nước nhưng 5 điều cô ấy liệt kê bên dưới là hoàn toàn đúng, cùng với lối kể chuyện lôi cuốn, chân thật, chắc chắn sẽ giúp bạn nhìn thấy chính bản thân mình trong đó. Cùng điểm qua nào! ______________________ Bạn có yêu cà phê đủ để rèn luyện như một barista? Có rất nhiều người đưa lòng nhiệt huyết với cà phê lên tầm chuyên nghiệp dưới sự đào tạo bài bản. Tuy nhiên, thỉnh thoảng sẽ cảm thấy lạc lối. Cảm thấy choáng ngợp, chán nản sau thất bại là điều phổ biến. Nhưng đừng mất niềm tin, vì không chỉ có mỗi mình bạn phải đối diện với khó khăn này. Tôi muốn chia sẻ một số lỗi mà tôi đã mắc phải khi còn học nghề barista. Hãy cùng đọc, nghiền ngẫm và bạn sẽ thấy bạn đã gặp tình trạng này chưa cũng như cách khắc phục để trở thành một barista thành công.
1. Dễ dàng bực bội Phần lớn barista bắt đầu công việc ở một quán cà phê nhưng tôi lại học nghề ở Accademia del Caffé Carbone Espresso, một trung tâm học nghề cà phê ở Caracas, Venezuela. Người thầy của tôi, Pietro Carbone, đã đưa tôi một số quyển sách để bắt đầu học cà phê cơ bản. Tuần đầu tiên, tôi tiếp thu kiến thức rất nhanh và học điều mới mỗi ngày. Sau một tháng tôi đã hoàn thành việc đọc sách. Tuy nhiên, sau đó tôi bị kẹt, lạc đường và bực dọc. Mọi thứ trở nên chậm lại và tôi cảm thấy tôi không học được gì mấy sau làn sóng kiến thức ban đầu. Giờ tôi nhận ra là chúng ta không thể học mọi thứ thật nhanh. dù đã chạm tới giới hạn nhưng tôi vẫn tiếp thu thông tin mới, nhưng chia thành từng phần nhỏ. Con đường ngày càng khó khăn hơn theo thời gian, vì thế ta nên tiến chậm mà chắc. Đừng trở nên chán nản sau thời gian đầu thuận lợi. Nếu bạn cảm thấy mọi thứ dần chậm lại và nhịp làm việc có phần thay đổi sau khi bạn đã đẩy lên cao trào của lòng nhiệt huyết và năng lượng, đó là điều rất bình thường.
2. Luôn đứng trong ‘vùng an toàn’ Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, tôi làm việc ở trung tâm học nghề. Tôi có một giấc mơ sẽ trở thành một barista chuyên nghiệp, tuy nhiên tôi không có một kế hoạch nào cả. Và rồi tôi được giới thiệu một cơ hội trở thành một người đào tạo barista chính. Tuy nhiên có một vấn đề là tôi chưa chuẩn bị gì cả. Đã từng thoải mái trong vùng an toàn của mình, tôi chưa sẵn sàng cho một vai trò mới. Tôi hoàn thành công việc, nhưng tôi chẳng học được gì mới. Tôi chưa từng thách thức giới hạn bản thân với những dự án mới hoặc đặt mục tiêu. Mặc dù tôi có cho mình ý tưởng về nâng cao tay nghề và trở nên chuyên nghiệp hơn, tôi chưa từng sử dụng lợi thế của việc day học tại trung tâm học nghề như là trang thiết bị đắt tiền và vật dụng hỗ trợ. Vì vậy tôi đã tự mình bước ra khỏi vùng an toàn. Tôi và thầy đã lập một bảng kế hoạch đào tạo cùng nhau. Tôi đã hỏi nhiều câu hỏi, thí nghiệm các phương pháp pha, và đọc nhiều hơn. Tôi cũng không sợ phải thử những thứ mới, như là rang mẻ rang đầu tiên (khủng khiếp, tôi nói thật). Nhờ đó mà tôi trở nên tự tin hơn vào khả năng của tôi cũng như chuẩn bị đầy đủ để trở thành người đào tạo tại trung tâm. Hỏi bản thân về kế hoạch tiếp theo rất quan trọng. Có thể bạn đang rất hạnh phúc với vị trí bây giờ, tuy nhiên liệu bạn đã sẵn sàng cho thử thách cũng như cơ hội sắp tới? Chúng ta có trách nhiệm phải phấn đấu nếu chúng ta muốn phát triển. Đặt câu hỏi, luyện tập, thử những điều mới, và bạn sẽ thấy bạn đã tiến bộ nhường nào.
3. Ngại tiếp xúc với các barista khác Có rất nhiều barista giỏi và quán cà phê ngoài kia. Bạn có đang tạo kết nối với họ? Tôi không quan tâm đến điều đó bởi vì tôi cảm thấy tôi có mọi thứ tôi cần ở trung tâm và không cần phải tìm ở đâu khác. Lần đầu tiên tôi gặp những người cùng ngành là khi tôi tham gia giải vô địch AeroPress khu vực 2018, in Caracas. Đó là cuộc thi đầu tiên của tôi và tôi đã run cầm cập như lá cây trước gió thu. Tồi tệ hơn nữa, mọi người đều biết nhau, ngoại trừ tôi. Chia sẻ niềm đam mê dành cho cà phê chính là sự gắn kết. Mặc dù nó là một cuộc thi, nhưng mỗi người đều có tinh thần cởi mở và hỗ trợ nhau nhiệt tình. Không khí đó đã giúp tôi có được vị trí thứ hai trong cuộc thi. Tiếp xúc với các barista khác giúp tôi hiểu hơn về bản thân trong vị trí của người học việc. Tôi đã được mở mang đầu óc với những quan điểm mới và tôi nhận ra tôi đã từng không để ý đến những ý tưởng khác, thật thiếu sót. Chia sẻ kiến thức thực sự giúp mở mang và học tập hiệu quả. Nó cũng dạy tôi về cách làm việc nhóm và hợp tác với người khác, những kĩ năng quan trọng trong môi trường cà phê và kể cả những môi trường khác, tôi tin là như vậy. Hôm nay, tôi cố gắng tạo các mối quan hệ với những barista khác ở những nơi tôi đi, dù là họ mới bắt đầu vào nghề hay là những chuyên gia. Hãy cẩn thận khi chỉ tìm kiếm những người barista chuyên nghiệp đầy kinh nghiệm. cả những người mới bắt đầu cũng có thể cho ta những hiểu biết quý giá, thông tin quan trọng để ta nhìn lại những gì được học và tiếp thu theo những hướng mới.
4. Bỏ qua những lĩnh vực khác Thi thoảng chúng ta thật sự có lỗi khi bỏ qua những mảng khác của ngành cà phê. Tôi biết một học viên, người có vẻ không quan tâm đến mảng sơ chế. Với tôi, đó là một đề tài quan trọng và tôi không hiểu tại sao cô ấy lại không muốn tìm hiểu nhiều hơn. Tôi đã từng nghĩ tôi đang theo đuổi con đường đúng đắn khi học tất cả mọi thứ về cà phê mà không bỏ qua một điều gì, nhưng tôi đã lầm. Lần đầu tiên tôi nếm thử cà phê, tôi không biết tôi nên nếm được vị gì. Cho tới khi tôi có kinh nghiệm hơn, phản xạ của tôi với những hương vị đã trở nên hoàn thiện hơn. Tôi đã có thể phân biệt hai-ba hương vị ngoài các vị cơ bản. Nhưng mà sau đó tôi lại bị bế tắc và bực bội vì tôi không thể nếm nhiều hơn. Tôi đã hỏi han xung quanh và tôi nhận ra là tôi đã không thật sự để ý đến việc phát triển kỹ năng thử nếm của mình. Người barista phải rèn luyện bản thân để có phản xạ hương và vị. Để có thể giỏi trong nếm thử và chấm điểm đòi hỏi sự luyện tập gian nan và đào tạo cẩn thận bài bản. Có vẻ điều đó khá hiển nhiên, nhưng với tôi thì không hẳn. Tôi cứ nghĩ tôi vẫn sẽ nâng cao được vị giác của mình mà không cần đầu tư thời gian cho nó. Thi thoảng ta lơ là những chi tiết ẩn ý bởi vì ta không hiểu độ quan trọng của chúng. Vì vậy, hãy chia sẻ những kinh nghiệm của bạn với người khác và cố gắng nhận biết những điều bạn cần, để sự nổ lực được đền đáp xứng đáng.
5. Bỏ qua nhiều nguồn thông tin trong ngành
Khi tôi bắt đầu, tôi đã dùng sách để học về cà phê. Tôi đọc từ những nghiên cứu của tác giả Adrea Illy và Scott Rao, cũng như là một số tạp chí cà phê và tài liệu sưu tầm từ Hiệp hội cà phê đặc sản. Tôi cảm thấy tôi tin tưởng những nguồn này và tôi đang học từ những người giỏi nhất. Nhưng thực tế, tôi đang tự giới hạn mình tiếp cận chỉ có hai ba quan điểm kiến thức. Học tập không chỉ là đọc cái gì đó và cho nó vào thực hành. Nó cũng là so sánh nhiều quan điểm khác nhau, sẵn sàng đối chất và phản bác với nguồn thông tin, và cuối cùng tổng hợp ý kiến chung.
Ngay khi tôi nhận ra điều đó, tôi đã bắt đầu đọc thêm vào những nguồn thông tin tin cậy, như là blogs, mạng xã hội và clip từ YouTube.Tôi không chắc bạn sẽ học cách rang cà phê hoàn chỉnh qua việc chỉ xem clip, hay là bạn có thể học từ một người rang cà phê sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm hoặc tự bạn tìm kiếm câu trả lời từ điều gì đó bạn còn trăn trở. Vì vậy, hãy chắc chắn bạn luôn cập nhật thông tin trong ngành từ nhiều nguồn khác nhau và có thể chia sẻ những kinh nghiệm bản thân qua mạng xã hội và diễn đàn.
________________________
Đừng ngần ngại thử nghiệm, đặt câu hỏi, và tìm kiếm thông tin mới. Sự tò mò và cống hiến sẽ giúp giúp bạn tiến gần hơn trên con đường trở thành một barista giỏi. Sau khi cân nhắc năm điều này, bạn có thể tránh sự phiền toái về sau.
Tôi vẫn còn một con đường dài để trở thành một barista chuyên nghiệp, tôi yêu cà phê và tôi đang hoàn thiện mình mỗi ngày. Vậy bạn đang đợi gì nữa? Chộp các cuốn sách, sắp xếp một buổi nếm thử hoặc giao lưu với những đồng nghiệp. Ngành cà phê là dành cho bạn, hãy khám phá!
Comments