top of page
Writer's pictureCo-CO

Những trải nghiệm khóc cười tại WBC 2022

Chuyến bay của team tụi mình từ Sài Gòn đến Melbourne để tham dự giải World Barista Championship bao gồm 5 thành viên, và 3 bạn đi theo vừa chơi vừa hỗ trợ, cộng thêm 3 bạn bay qua Melbourne với mục đích khác nhưng cũng tiện tay hỗ trợ core team khi cần.

1. Từ lúc bắt đầu, chúng mình đã chọn chuyến bay rẻ nhất vào buổi tối để tận dụng thời gian vừa ngủ vừa di chuyển. Tuy nhiên, khi vừa ra đến sân bay chúng mình mới nhận được tin nhắn delay đến chiều ngày hôm sau, nghĩa là gần 24 tiếng. Sau đó, chúng mình nhận được tin chuyến bay sẽ tiếp tục delay đến sáng sớm ngày hôm sau nữa. Việc này đã làm chúng mình khá thất vọng. Tuy nhiên khi sang đến Melbourne nhận được nhiều tin từ bạn bè như chuyến bay của họ bị cancel (nghĩa là bạn phải tốn rất nhiều tiền để mua vé thay thế vào phút cuối) hoặc các bạn thậm chí không xin được visa Úc, chúng mình cảm thấy như vậy đã may mắn lắm rồi.

2. Trước khi bay, chúng mình đã nghe rất nhiều thông tin về các quy định hải quan gắt gao của nước Úc, các thực phẩm tươi từ động thực vật phải được khai báo rõ ràng. Khi ở trên máy bay chúng mình được phát cho tờ khai hải quan bao gồm 11 câu hỏi Yes No. Trong đó chúng mình đã tick Yes vào 2 mục là: có mang các sản phẩm hạt (cà phê đã rang) và sản phẩm từ ong (mật ong). Bạn có thể chọn NO – không mang theo những thứ này, nếu họ không phát hiện thì không sao, nhưng nếu họ phát hiện ra thì sẽ bị coi là cố tình che giấu và bị phạt rất nặng, thậm chí bị hủy visa ngay lập tức. Khi đến khu kiểm soát hành lý chúng mình được chia sang hàng riêng để kiểm tra. Tại đây chúng mình gặp được người Việt Nam và anh ấy hỏi mình tick YES vào đây nghĩa là mang gì theo? Rất thành thật chúng mình trả lời là mang cà phê và mật ong. Ảnh hỏi “Đi học mang cà phê theo uống cho tỉnh hả?” “Dạ không, tụi em mang đi thi, thi giải barista” “À vậy hả? Vậy đi đi, cố lên nha”. Sau đó, ảnh cho chúng mình đi thẳng mà không cần mở hành lý ra xem. Rồi quay sang khoe với 2 nhân viên khác là người nước ngoài “Hey, đây là người Việt Nam và lần này sang đây thi đấu giải barista đó nha” (Tại đây, nếu mục đích không rõ ràng, bạn sẽ bị đẩy sang 1 line khác và mở hành lý ra để kiểm tra lại) Vừa vui, vừa có cảm giác giống như tự hào [đối với một người đồng hương ở nơi đất khách] vậy là chúng mình đã thật sự đến được Melbourne. Yayy

3. Món uống signature lần này của chúng mình có sử dụng khí Nitơ (N2), nhưng đã bị an ninh bắt bỏ lại ở sân bay Sài Gòn. Một người bạn trong team của tụi mình đã nhanh chóng nhắn tin cho bạn ở Úc – với kiến thức về khí dùng bơm bóng cười (tin mình đi, mỗi một sở thích của bạn đều sẽ có ngày hữu dụng với chính bạn hoặc những người xung quanh =)), bạn ấy lập tức tự tin trả lời có thể dễ dàng mua ở Úc, vậy là chúng mình yên tâm mà bay. Cứ nghĩ đến Melbourne có thể dễ dàng mua lại nhưng… thì ra khí dùng để bơm bóng cười là N2O không phải N2, còn N2 ở đây chỉ sử dụng công suất lớn nên không thể tìm các bình khí nhỏ ở đâu cả. Khi tụi mình đến các store để hỏi thăm, người dân địa phương còn hỏi chúng mình mua khí để ‘chơi bóng’ hả. Sau 2 ngày tìm kiếm trong vô vọng chúng mình tìm thấy một trang web bán hàng online nhưng vì cuối tuần nên họ nghỉ bán (Btw, ở bên này cuối tuần đa số hàng quán đều đóng cửa buồn lắm, chứ không được xôm tụ như ở Việt Nam mình). Cuối cùng, tụi mình cũng mua được khí Nitơ cỡ nhỏ nhưng vì khác brand nên phải độn thêm giấy mới gắn vừa vào bình. Không sao, như vậy được xem là một thành công rồi.

4. Vì qua trễ tận 2 ngày nên chúng mình đã bỏ lỡ 1 buổi luyện tập tuy nhiên nhờ có ST Ali hỗ trợ, chúng mình vẫn có 3 tiếng để luyện tập với đúng model máy thi đấu cũng như test vị cà phê trên nền sữa ở Úc. Cuối cùng chúng mình lựa chọn sữa Riverina Fresh Milk (cũng là brand tài trợ cho WBC) phiên bản Gold và có sử dụng kỹ thuật tách nước để tăng độ béo cho món uống. Chúng mình đặc biệt ghi nhớ 3 tiếng đồng hồ quyết định này lắm đó.

5. Một điều bất ngờ khi vào phòng luyện tập, chính là 47 thí sinh tham gia thi đấu thì mỗi thí sinh sẽ được tập luyện với 1 máy xay riêng và dán tên của mình lên, mà không cần sử dụng chung [wow], tổng cộng mình đếm sơ có khoảng 60 máy xay Mythos MY75 sẵn sàng phục vụ luôn các thí sinh cần 2 máy xay cho bài thi. (Để làm rõ hơn thì ở vòng national, tất cả thí sinh chỉ có 4 máy xay để thay phiên nhau mang ra thi đấu). Phòng luyện tập rất lớn và mỗi thí sinh được cấp cho 1 bàn, bạn có thể để dụng cụ lên trước rồi niêm phong lại trước 1 ngày thi đấu.

6. Trong khu vực hội chợ, chúng mình cảm thấy rất háo hức vì liên tục [vô tình hoặc cố tình] đứng gần các champion của các nước, đặc biệt là các anh/chị đã vào top 6 liên tục mấy năm liền. Cảm giác rất thân thuộc bởi vì trước khi đi thi, tụi mình cũng cày view video các anh chị thi đấu dữ lắm vì vậy những gương mặt này trở nên đặc biệt thân thuộc (còn các anh/chị ấy thì không biết tụi mình là ai ^^)

7. Ngoài luyện tập, chúng mình còn tham quan rất nhiều cửa hàng cà phê ở Melbourne và Sydney, tới đâu cũng uống thử espresso, milk và filter nhiều đến nổi vài thành viên trong nhóm phải uống thuốc tráng dạ dày. Chúng mình đi bộ rất nhiều và sử dụng phương tiện công cộng để di chuyển, thời tiết tại thời điểm chúng mình qua khá là lạnh (tuy nhiên dân địa phương chỉ xem đó là mùa mát) Tại đây, chúng mình cũng cảm thấy may mắn vì đã được tham dự giải đấu này ở nước Úc – nơi có rất nhiều anh em barista người Việt sống ở Úc sẵn sàng làm hướng dẫn viên và hỗ trợ các dụng cụ cho bài thi cũng như đến cổ vũ khi team Việt Nam thi đấu.

Sau chuyến đi này, chúng mình nhận ra những ý tưởng mà chúng ta đã có từng nghĩ đến rồi mà không làm vì nghĩ nó không hay, không hiệu quả thì ở nước ngoài, các bạn ấy đã biến ý tưởng thành hiện thực chỉn chu và hiệu quả thế nào. Khi về lại Việt Nam, chúng mình có nhiều ý tưởng hơn và cũng dũng cảm thực hiện những ý tưởng còn dang dở

Mặc dù năm nay kết quả không được như mong muốn nhưng chúng mình cũng học hỏi được thêm rất nhiều kiến thức và có thêm nhiều mối quan hệ quốc tế. Sự nhỏ bé của chúng mình ở giữa hội chợ cũng giúp chúng mình tăng sự quyết tâm mang nền văn hóa cà phê Việt Nam trở nên nổi tiếng hơn nữaaaa!



7 views0 comments

Comentarios


bottom of page