No English version
Người đang viết ra bài này trước kia là một thợ làm bánh, vấn đề là trước khi làm bánh cô ấy thậm chí không phân biệt được khái niệm của các loại bột mì, và không hề biết sự tồn tại của các dạng bột mì khác nhau trên thị trường. Cô ấy không giỏi nấu ăn chính vì vậy mà chưa bao giờ mong đợi vào việc làm bánh của mình. Tuy nhiên, có thể nói đó là một thử thách cũng cóthể cho là sức ép phải làm được bánh để giúp tăng lượt khách cho 1 quán cà phê nhỏ của một người bạn.
Bắt đầu sự nghiệp làm bánh với món bánh dễ nhất trên đời – bánh muffin, tuy nhiên thành phẩm có thể đoán được là vừa xấu vừa không ngon. Khách hàng ở quán cà phê năm ấy hầu hết là các expat đến từ các đất nước phương Tây và đặc điểm của họ là – rất sành về bánh. Một số họ thậm chí nướng bánh ở nhà để ăn sáng – việc này là không thể tưởng tượng nổi với cô gái ấy trong những năm tháng ấy.
Sau khi thất bại gần chục lần, cô ấy phát hiện mình phải “hiểu” cái lò nướng của mình để chỉnh nhiệt độ sao cho phù hợp nhất. Sau khi làm loạn nhà bếp vài chục lần cô ấy trở nên nhuần nhuyễn ở kĩ năng tách trứng. Sau khi bị phỏng cũng kha khá cô ấy học được cách sử dụng găng tay để không bị phỏng nữa...
Vậy là, sau khoảng 3 tháng, tuy cô ấy đã không trở thành một người làm bánh xuất xắc nhưng ít nhất bánh của cô ấy ngày càng được chào đón và có khoảng 10% số lượng khách có động lực đến quán cà phê là vì có bánh của cô gái.
Bí quyết không có gì đặc biệt, cô ấy chỉ cảm thấy may mắn vì mình luôn có một “đầu ra”. Việc này các bạn bắt đầu học làm bánh hẳn biết rất rõ. Khi làm bánh xong thành phẩm, chúng ta luôn muốn mang chúng cho người thân, bạn bè dùng thử và cho nhận xét. Tuy nhiên, bạn bè/người thân sẽ không thể ăn dùm mãi. Còn chưa kể đến càng cho, chúng ta càng không thể chịu nổi chi phí bỏ ra cho nguyên liệu nữa (nguyên liệu, dụng cụ làm bánh là không rẻ) Cô gái năm ấy may mắn vì có thể vừa tặng bánh và vừa bán đi những chiếc bánh của mình hàng ngày – cái gọi là có “đầu ra”.
Các bạn hãy hình dung việc tặng bánh chính là việc chia sẻ thành quả của mình. Khi các bạn có các kiến thức mới và giữ cho riêng mình vì ích kỉ và sợ rằng người nhận thông tin sẽ trở nên giỏi hơn mình. Giống như việc làm bánh, mình đã nói nguyên liệu làm bánh không rẻ, nên chúng ta có xu hướng mang nó cho những người chúng ta yêu thương hoặc chỉ giữ cho riêng mình. Vấn đề là: khi bạn ăn bánh một mình sẽ trở nên bội thực, càng ăn lại càng tự thấy ngán và không còn phân biệt được gì nữa.
Việc chia sẻ các chiếc bánh là để giúp chúng ta luôn có động lực làm thêm bánh cho ngày hôm sau nghĩa là không ngừng luyện tập, là tình huống tốt nhất có thể nhận về các feedback và trở nên nhuần nhuyễn hơn. Cũng là cách tốt nhất để đưa các sản phẩm này tiếp cận các khách hàng tiềm năng, và rõ ràng bên cạnh việc cho cô gái đã có thể bán đi bánh của mình sau đó, và mạnh dạn bán những chiếc bánh này cho các khách hàng xa lạ mà không sợ bị nhận các phàn nàn.
Nói một chút về những người nhận bánh năm ấy, đó là những người luôn có ý thức nhận về một món quà và cho lại sự nhận xét chân thật cùng với sự động viên. Chúng ta chia sẻ và cũng chọn lọc những người sẵn sàng chia sẻ để có thể không bị mất đi năng lượng tích cực và tinh thần học hỏi của bản thân.
Comments