top of page
Writer's pictureCo-CO

Cascara là gì?

Updated: Sep 13, 2023

  • No English version

Cái tên cascara xuất phát từ tiếng Tây Ban Nha, nghĩa là vỏ cây, vỏ quả (bark, shell), ở đây chỉ vỏ (có thêm 1 xíu thịt) từ trái cà phê được tách riêng và phơi khô rồi pha như trà (hoặc có thể rang lên). Tùy vào giống cà phê và độ chín của trái, cách sơ chế mà hương vị của Cascara cũng có thể đa dạng như cà phê, chúng ta có thể tìm thấy hương hoa, trái cây, hương trà... cùng với các loại acid phức tạp trong món uống này.


Cascara có thể còn phổ biến trước cả khi hạt cà phê được chế biến thành thức uống như hiện giờ ở Ethiopia và Yemen – nơi được xem là nguồn gốc của cà phê. Tại đây, người dân pha cascara cùng với gừng, quế, nhục đậu khấu... để uống mà ở Ethiopia được biết đến với tên hashara hoặc qishr ở Yemen. Ngày nay, hashara hoặc qishr vẫn phổ biến ở các quốc gia này, thậm chí còn được tiêu thụ nhiều hơn cả cà phê vì giá thành rẻ hơn nhiều so với cà phê.



Mặc dù cascara đã quá quen thuộc ở Ethiopia và Yemen nhưng chỉ thật sự đi đến sản xuất để bán tại Châu Mỹ La Tinh mà nhiều nhất là tại El Salvador, Bolivia. Loại vỏ cà phê này thường được dùng làm phân bón hoặc bỏ đi trong quá trình sản xuất cà phê. Tuy nhiên, sau đó người ta sử dụng loại vỏ này để tạo thêm một sản phẩm khác ngoài cà phê, mục đích là tăng thu nhập cho người nông dân, cũng như góp phần tăng tính bền vững trong sản xuất cà phê – một vấn đề nóng hổi những năm gần đây.

Syrup cascara đã từng được mang lên sàn thế giới để thi đấu mà một trường hợp thành công nhất phải kể đến là Martin Hudak người Slovakia đã giành chức vô địch trong cuộc thi World Coffee in Good Spirit với món uống sử dụng: cà phê Geisha – Panama, gin, lemon foam và syrup cascara. Anh ta đã xây dựng bài thi của mình dựa trên chủ đề về việc thay đổi khí hậu toàn cầu như ô nhiễm, sự nóng lên của trái đất có những ảnh hưởng trực tiếp nào đến nông trại, nông dân và tương lai sẽ gây ra những ảnh hưởng nào đến barista. Mục đích anh ấy sử dụng syrup cascara cũng là muốn thuyết phục các thí sinh khác hãy tận dụng những nguyên liệu sẵn có mà không gây ra lãng phí.


Theo một thử nghiệm được nhà Square Mile Coffee gửi đến Đức để kiểm tra nồng độ caffein trong cascara và có công bố trên trang web của họ, lượng caffein trong cascara sẽ chịu ảnh hưởng từ tỉ lệ của bao nhiêu cascara trong nước và ít bị ảnh hưởng bởi thời gian ngâm. Tỉ lệ caffein trong cascara cũng được tìm thấy là thấp hơn trong brewed coffee dao động từ khoảng 4 lần.


Cascara có thể pha như trà, nhưng không có nghĩa là trà, cũng không hẳn là cà phê, có thể uống nóng hoặc lạnh. Không có một tỉ lệ nước nào, công thức nào cụ thể cho trà cascara, cũng như cà phê vậy, người pha chế cần tìm ra công thức cho riêng mình, cùng với các thành phần khác nhau được thêm vào, cascara có thể trở thành một thức uống giải khát, ngon miệng và cũng góp phần giúp người uống trở nên tỉnh táo vì thành phần có một ít caffein của mình.


Tóm lại, việc có thể sử dụng toàn bộ quả cà phê để pha chế ra các loại thức uống đúng là quá tuyệt!

Cuối cùng, xin cảm ơn người mẫu tay Hoàng Nam đã tài trợ bức ảnh này.


Nguồn: http://www.squaremileblog.com/20…/…/30/cascara-and-caffeine/ và báo điện tử Barista Magazine

7 views0 comments

Commentaires


bottom of page